Từ ngày 11 đến 18 tháng 11 năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ số Thông Minh và Công ty TNHH BPO.MP (gọi tắt là Liên danh SDT-BPO.MP), đơn vị xây dựng “Hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý thông tin người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”, tổ chức 05 lớp đào tạo hướng dẫn sử dụng và triển khai hỗ trợ quản trị, vận hành hệ thống phần mềm tại các thành phố Rạch Giá, thành phố Phú Quốc, huyện Kiên Lương, huyện Châu Thành và huyện U Minh Thượng cho lãnh đạo Sở, cán bộ chuyên trách CNTT và cán bộ công chức viên chức của tỉnh.
Hiện tại ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có nhiều lĩnh vực liên quan đến an sinh xã hội chưa có Hệ thống phần mềm CSDL quản lý thông tin người có công với cách mạng, trong khi đó đối tượng quản lý lớn, việc cập nhật biến động đối tượng đang chủ yếu thực hiện theo phương pháp thủ công nên việc quản lý, theo dõi, thực hiện các chính sách của nhà nước còn nhiều khó khăn. Việc cập nhật thông tin đối tượng chủ yếu quản lý bằng phần mềm bảng tính Excel và lưu hồ sơ giấy, chưa được số hóa hồ sơ, chưa có phần mềm quản lý thống nhất trên toàn tỉnh, do đó khi cần tìm kiếm hồ sơ để giải quyết các chế độ mất nhiều thời gian tra cứu, hồ sơ dễ hư hỏng, chưa đảm bảo cho thực hiện thủ tục hành chính trực tuyền mức độ 4; công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, không đồng bộ, thống nhất trên toàn tỉnh.
Như vậy, có thể thấy rằng việc đưa vào sử dụng Hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý thông tin người có công với cách mạng có ý nghĩa rất lớn trong việc từng bước thực hiện quản lý thông tin hồ sơ người có công với cách mạng một cách hệ thống, khoa học và chính xác, cung cấp thông tin danh mục các loại tài liệu lưu trữ phục vụ mọi đối tượng người dùng; đáp ứng nhu cầu quản lý của các cấp lãnh đạo và yêu cầu giải quyết của công chức thực hiện việc tra cứu, tìm kiếm tài liệu về các hồ sơ người có công thuộc tỉnh Kiên Giang.
Cơ sở dữ liệu NCC liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn. Tạo môi trường làm việc hiện đại, minh bạch, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, quản lý dữ liệu khoa học, an toàn; giảm thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, nhất là đối tượng người có công với cách mạng. Qua đó góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT và công tác thực hiện chuyên môn nghiệp vụ, công tác quản lý cũng như công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp; công tác chuyển đổi số của Sở.
Toàn cảnh Buổi tập huấn Hệ thống phần mềm CSDL quản lý thông tin người có công với cách mạng
Dự kiến hiệu quả đạt được của dự án:
1. Hiệu quả công việc:
- Truy cập thông tin và an toàn thông tin; bảo đảm kết nối thông suốt, đồng bộ và khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin an toàn, thuận tiện giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân; đảm bảo khả năng truy cập thuận tiện trên các thiết bị di động.
- Nâng cao khả năng làm chủ hệ thống đối với cơ quan chủ quản, đảm bảo việc phát triển và mở rộng các chức năng theo nhu cầu.
- Việc đưa vào áp dụng hệ thống phần mềm này sẽ góp phần giảm sức người, tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý thông tin người có công với cách mạng bằng phương thức ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với chủ trương, thực tiễn và xu hướng phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số của thời đại công nghệ số.
2. Hiệu quả kinh tế:
- Lợi ích kinh tế thể hiện ở hiệu suất làm việc, chi phí quản lý, chi phí hành chính giấy tờ, thời gian và nhân sự xử lý sự vụ.
- Hệ thống xử lý thông tin quản lý tốt, an toàn giúp lãnh đạo ngành và lãnh đạo thành phố có đủ thông tin để sớm ban hành những chính sách đúng đắn và kịp thời trong chỉ đạo và điều hành.
3. Hiệu quả xã hội:
- Đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính của Chính phủ và của tỉnh.
- Nâng cao uy tín và chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước.
- Hệ thống mới đảm bảo mọi điều kiện về an toàn vệ sinh môi trường.
-------------------------------------------------